Saturday, June 7, 2014

Lịch sử ung thư (2)

Phỏng dịch từ bài The History of Cancer from NCI. Một số thuật ngữ y học có thể không sát do người dịch không thông thạo về y học, bạn đọc có thể tìm đọc bản gốc tại website của NCI.

Nguyên nhân ung thư: các học thuyết trong lịch sử

Từ những buổi bình minh, các thầy thuốc đã bối rối với nguyên nhân của ung thư. Người Ai Cập cổ đồ rằng ung thư là do thần thánh.

Thuyết dịch (humoral theory)

Hippocrates cho rằng cơ thể gồm có 4 thể dịch (chất lỏng của cơ thể): máu, dãi, mật vàng và mật đen. Khi các thể này cân bằng, cơ thể sẽ khoẻ mạnh. Ông tin là sự mất cân bằng, quá nhiều hay quá ít, của bất kỳ trong bốn thể dịch đó sẽ gây ra bệnh tật. Mật đen quá nhiều tại nhiều vị trí trong cơ thể được cho là dẫn đến ung thư. Thuyết này được lưu truyền đến thời La Mã và được bao quát trong những giảng giải của người thầy thuốc đầy ảnh hưởng Galen, và trở thành chuẩn mực không có thách thức trong suốt hơn 1300 năm thời trung cổ. Suốt thời gian này, nghiên cứu về cơ thể bao gồm cả khám nghiệm tử thi bị nghiêm cấm do những lý do tôn giáo, kéo theo sự trì trệ của kiến thức y học.

Thuyết bạch huyết (lymph theory)

Trong số các lý thuyết thay thế cho thuyết dịch về ung thư có thuyết cho rằng sự hình thành ung thư là từ một chất dịch khác của cơ thể, bạch huyết. Sự sống được cho là hình thành từ sự luân chuyển liên tục và hợp lý của các lưu chất qua các phần đậm đặc của cơ thể. Trong tất cả các lưu chất trong cơ thể, máu và bạch huyết là hai chất quan trọng nhất. Stahl và Hoffman giả thiết rằng ung thư là sự lên men và phân rã của bạch huyết, thay đổi về nồng độ, tính acid và tính kiềm. Thuyết bạch huyết nhanh chóng nhận được sự ủng hộ. John Hunter, nhà giải phẫu học người Scotland từ những năm 1700 đã chấp nhận rằng khối u phát triển từ bạch huyết liên tục được loại thải từ máu.

Thuyết nha bào (blastema theory)

Năm 1838, nhà bệnh học người Đức Johannes Müller đã chứng tỏ rằng ung thư cấu thành bởi các tế bào chứ không phải bởi bạch huyết, nhưng ông vẫn tin tưởng rằng tế bào ung thư không bắt nguồn từ các tế bào thường. Müller đề xuất rằng tế bào ung thư phát triển từ những chồi (nha bào) nằm giữa các tế bào thường. Chính học trò của ông, Rudolph Virchow (1821-1902), một nhà bệnh học nổi tiếng người Đức, mới là người xác định ràng tất cả các tế bào, kể cả các tế bào ung thư, đều bắt nguồn từ các tế bào khác.

Thuyết viêm nhiễm mãn tính (chromic irritation theory)

Virchow cho rằng viêm nhiễm mãn tính là nguyên nhân của ung thư, nhưng ông đã sai lầm khi cho rằng ung thư "lan rộng như là chất lỏng." Những năm 1860, nhà giải phẫu học người Đức, Karl Thiersch, đã chỉ ra rằng ung thư di căn nhờ vào sự lan rộng của các tế bào ác tính chứ không phải nhờ vào các chất lỏng vốn không được tìm thấy.

Thuyết chấn thương (trauma theory)

Mặc cho tiến bộ trong việc tìm hiểu về ung thư, từ những năm cuối 1800 đến cả những năm 1920, một số người vẫn cho rằng chấn thương dẫn đến ung thư. Niềm tin này được bảo tồn mặc cho những thất bại trong các thí nghiệm gây ung thư từ chấn thương trên động vật.

Thuyết bệnh dịch (infectious disease theory)

Zacutus Lusitani (1575-1642) và Nicholas Tulp (1593-1674), hai bác sĩ người Hà Lan, đã kết luận gần như đồng thời rằng ung thư có tính truyền nhiễm. Hai ông đưa ra kết luận dựa vào kinh nhiệm của họ với ung thư vú ở thành viên trong cùng một gia đình. Lusitani và Tulp tương ứng đã lần lượt công bố thuyết truyền nhiễm vào năm 1649 và 1652. Họ đề xuất rằng các bệnh nhân ung thư cần phải cách ly, tối ưu là bên ngoài các thành phố và thị trấn, để ngăn chặn sự tràn lan của ung thư.

Trong suốt thế kỷ 17 và 18, một vài người đã tin tưởng rằng ung thư có tính truyền nhiễm. Thực tế là, bệnh viện ung bướu đầu tiên ở Pháp bị buộc phải dời chuyển ra khỏi thành phố vào năm 1779 với lý do người dân sợ hãi ung thư sẽ lan truyền khắp thành phố. Ngày nay chúng ta biết rằng mặc dù bản thân ung thư không lây truyền, nhưng một số loại virus, vi khuẩn hoặc ký sinh trùng có thể tăng cao nguy cơ mắc ung thư cho người mang chúng.

Dịch tễ học ung thư (cancer epidemiology)

Trong thế kỷ Mười tám, có ba quan sát quan trọng đã dẫn dến sự hình thành của dịch tễ học ung thư (dịch tễ học là ngành nghiên cứu nguyên nhân, phân bố, và cách trấn áp (control) bệnh tật):

  • Năm 1713, Bernardino Romazzini, một bác sĩ người Ý, đã thông cáo về sự thiếu vắng ung thư đốt sống cổ ở các nữ tu sĩ, trong khi tỷ lệ ung thư vú lại rất cao, và ngờ rằng điều này có liên quan nhiều đến cuộc sống độc thân. Nhận định này là một bước tiến quan trọng trong việc xác định và tìm hiểu vai trò quan trọng của các chất nội tiết (chẳng hạn sự thay đổi trong thời gian sinh sản) cũng như quan hệ của các bệnh hoa liễu với rủi ro mắc ung thư.
  • Năm 1775, Percival Pott ở bệnh viện Saint Partholomew tại London đã mô tả một bệnh ung thư mang tính nghề nghiệp ở những người thợ thông ống khói — ung thư bìu dái — gây ra do sự tích tụ của bồ hóng tại các nếp da nơi bìu. Nghiên cứu này đã mở đường cho nhiều khảo sát khác xác định những phơi nhiễm ung thư do nghề nghiệp và dẫn đến những định lượng sức khoẻ cộng đồng (public health measure) nhằm giảm nguy cơ ung thư của người lao động.
  • Thomas Venner ở London là người đầu tiên cảnh báo về nguy hại của thuốc lá trong cuốn Via Recta, xuất bản tại London năm 1620. Ông viết rằng "lạm dụng thuốc lá gây đau đầu và mắt và gây run rẩy ở các chi và tim." Năm mươi năm sau đó, năm 1761, chỉ vài thập kỷ sau khi hút thuốc giải trí trở thành phổ biến ở London, John Hill viết một cuốn sách mang tên "Những sự cẩn trọng đối với lạm dụng thuốc hút". Những quan sát đầu tiên kết nối thuốc lá với ung thư này đã dẫn đến những nghiên cứu dịch tễ học nhiều năm sau đó (những năm 1950 và đầu 1960) chỉ ra rằng hút thuốc gây ung thư phổi và kết quả đưa đến thông cáo về Hút thuốc và Sức khoẻ năm 1964 của Tổng hội giải phẫu gia Mỹ (US Surgeon General).

Các nhà dịch tễ học vẫn tiếp tục nghiên cứu các tác nhân gây ung thư (như sử dụng thuốc lá, sự béo phì, bức xạ tử ngoại) cũng như các yếu tố có thể giúp bảo vệ chống lại ung thư (chẳng hạn các hoạt động thể chất hoặc chế độ ăn uống thích hợp). Nghiên cứu dịch tễ cho các bằng cớ để định hướng khuyến cáo cũng như kiểm soát sức khoẻ cộng đồng.

Các nhà sinh học phân tử đang hiểu rõ hơn về các tác nhân dẫn đến hoặc có khả năng ngăn ngừa ung thư, và những thông tin dịch tễ này cũng đang được đưa vào nghiên cứu trong dịch tễ học phân tử, tập trung vào tương tác giữa gene và các tác nhân bên ngoài.

(còn tiếp)

No comments:

Post a Comment