Thursday, August 1, 2019

Gặp gỡ với Lev Vaidman

Tôi có dịp gặp gỡ và trò chuyện với Lev Vaidman khi ông ghé thăm trường tôi. Lev Vaidman là tác giả của phép đo yếu trong cơ học lượng tử, tác giả của phép thử bomb Elitzur-Vaidman và nhiều nghịch lý khác.

Nhóm tôi cùng ăn tối, nói chuyện. Khi ra về, do cùng đường, tôi dắt xe đi bộ cùng ông về khách sạn nơi ông ở để tỏ lòng thân thiện. Tôi hỏi ông đang làm việc ở đâu, thầm chột dạ về sự thiếu hiểu biết của mình. Ông nói ‘Tel Aviv University.’ Ông hỏi tôi đã tốt nghiệp chưa. Tôi trả lời ‘đã.’ Và để tiếp tục câu chuyện, tôi bắt đầu thao thao: nào tôi có thời gian làm về abc, nào là tôi chuyển sang làm xyz...

‘Chắc ông quen thuộc với xyz lắm rồi?’ để lịch sự tôi ngừng lại hỏi.

‘Chả quan tâm,’ (I don't care) ông vừa cười vừa trả lời gọn lỏn.

Tôi: ‘...,’ và thầm nghĩ ‘that's interesting!’ Nếu ai đó nói điều gì mới lạ, thì phản ứng của tôi cũng như nhiều người tôi biết là sẽ hỏi lại thêm, hi vọng để học thêm điều gì đó. Nhưng Lev chả quan tâm! Và tôi biết ông không quan tâm thật. Thật là một cách làm việc thú vị! Tôi còn có dịp nhận được cũng một câu trả lời tương tự từ một người nổi tiếng khác mà có thể tôi sẽ viết lại sau. (Ít lâu sau tôi có dịp đáp lại Lev cũng bằng một câu tương tự, khi ông mời tôi review một bài báo.)

Cũng may khách sạn của ông ở ngay trước mặt, và tôi chẳng phải nghĩ ngợi gì nhiều để nói cho câu chuyện dài thêm. Chúng tôi chia tay. Tôi chúc ông ngủ ngon, còn ông thì nói có ấn tượng rất tốt về tôi.

Câu chuyện trong bữa ăn cũng thú vị. Lev vốn từng tham gia thi học sinh giỏi khi còn học phổ thông, nên rất ưa thích các câu đố mẹo. Đây là hai câu đố của ông:

A) ‘Một chiếc ô tô chạy trên một mặt phẳng rộng vô hạn. Mặt phẳng nhiễm điện dương đều khắp nơi. Người trên ô tô ném lên theo phương thẳng đứng đối với mình một quả bóng tích điện âm. 1) Đối với người trên mặt đất: Quả bóng đi xiên lên do cộng vận tốc với ô tô. Lực tác dụng lên quả bóng hoàn toàn theo phương thẳng đứng. Như vậy vận tốc nằm ngang của quả bóng không đổi. Quả bóng đi một đường parabol và rơi xuống đúng chỗ người ném lên. 2) Đối với người trên xe. Quả bóng đi lên thẳng đứng. Nhưng mặt phẳng tích điện dưới chân chuyển động sẽ tạo ra từ trường. Từ trường này, xét cẩn thận sẽ làm lệch quả bóng về phía sau so với vị trí người ném lên. Như vậy quan sát trong HQC 1 là đúng hay HQC 2 là đúng?’

Trả lời: Trong hệ quy chiếu trái đất, khối lượng động của hạt thay đổi, nên thực tế hình chiếu lên mặt phẳng nằm ngang của vận tốc sẽ nhỏ đi và kết quả là hạt thực sự rơi ra phía sau ô tô chứ không chính xác rơi vào ô tô, phù hợp với kết quả xét trong hệ quy chiếu với ô tô.

B) ‘Trong bình kính chứa chất lỏng không nén được. Máy đo áp suất đáy bình báo \(p_0\). Đáy bình có một bọt khí. Bọt khí đột ngột nổi lên mặt trên của bình kín. Hỏi máy đo áp suất thay đổi thế nào?’

Trả lời: Áp suất tăng lên một lượng \(\rho g h\), trong đó \(\rho\) là khối lượng riêng chất lỏng, \(g\) là gia tốc trọng trường, ,\(h\) là chiều cao bình. Lý do là ban đầu bọt ở đáy bình, áp suất ở đáy bình bằng áp suất khí trong bọt. Chất lỏng không nén được, nên khi nổi lên thể tích của bọt khí vẫn không đổi. Áp suất trong bọt khí do đó cũng không đổi, nay bằng áp suất ở mặt bình. Kết quả là áp suất mặt dưới bình sẽ tăng lên một lượng \(\rho g h\).

Tôi nghĩ cả hai câu đều khá thú vị. Tôi trả lời được câu (A), còn câu (B) vốn đã biết đáp án từ ngày học phổ thông. Rồi chúng tôi lan man sang các câu đố khác rất vui vẻ. Bữa đó tôi cảm giác trẻ lại như hồi còn học phổ thông, say mê suy nghĩ về những câu đố vui kiểu như vậy. Sau này đi làm, cơm áo gạo tiền, chắc chẳng còn mấy ai giữ lại được cái cảm giác ấy nữa.

No comments:

Post a Comment