Wednesday, July 31, 2019

Ông vua tháng Chạp tí hon

Một trong những thứ tôi yêu thích nhất ở châu Âu là những tủ sách cộng đồng. Giữa công viên, giữa thành phố, hay trong một viện nghiên cứu, nói chung là bất kỳ đâu, ta có thể tìm được một cái tủ nhỏ, nơi mọi người có thể để lại sách của mình, có thể là vì muốn người khác được cái may mắn đọc cuốn sách mà ta yêu thích, hay là hành trang đã quá nặng mà đành phải để lại cuốn sách của mình khi rời đi. Dù sao tôi cũng thấy ở nó một cái gì đó nhân văn, và thơ mộng. Mỗi lần ngó vào những tủ sách đó, tôi lạị thấy hết sức thú vị khi hình dung ra một cậu bé, một cô bé, một bà cụ đã đặt vào đó cuốn sách của mình. Tôi tò mò xem cậu bé đó, cô bé đó, bà cụ ấy đã đọc những gì. Đôi khi tự mỉm cười thích thú phát hiện ra một một cuốn sách mà tôi yêu thích.
Một buổi tình cờ lang thang trong phòng đọc của viện Max Planck, tôi vớ được cuốn ‘Ông vua tháng chạp tí hon’ của Axel Hecke. Sách viết bằng tiếng Đức, mà tôi chỉ có thể đọc ở mức chữ được chữ không. Vậy mà tôi đã yêu thích nó ngay từ những dòng đầu tiên. Đây là mấy đoạn trích:
Đoạn mở đầu:
Trong một thời gian ông vua tháng Chạp đệ Nhị bé tí và béo phệ thường viếng thăm tôi. Ông vua dài không hơn ngón tay trỏ và béo đến nỗi cái áo choàng đỏ với viền lông trắng dày không đóng nổi trước bụng.
Ông mê món pho-mát nướng. Khi ăn một miếng, ông phải ôm nó bằng cả hai tay và giữ chặt. Ông vua tí hon chỉ có thể nâng miếng pho-mát lên một chút, vì mỗi miếng pho-mát nướng đã to gần bằng cả nửa người. Ông ngoạm vào miếng pho-mát, cắn ra một miếng to khi hỏi tôi câu hỏi quen thuộc:
‘Cậu kể cho ta nghe về thế giới của cậu đi!’
Khi ông viếng thăm lần đầu, tôi nói: ‘Ở chỗ chúng tôi thì người ta được sinh ra, lớn dần lớn dần lên, đôi khi lớn cả như một cầu thủ bóng rổ. Cuối cùng thì người ta bé lại một chút. Rồi chết, con người biến mất.'
‘Thật vô lý,’ ông vua tí hon nói và cắn một miếng. ‘Tại sao người ta không bắt đầu từ khi to lớn, bé dần bé dần và cuối cùng biến mất - hiển nhiên rồi, bởi vì không còn ai thấy được nữa.’
‘Tôi tin là điều đó ngược với tự nhiên.’
‘Ở chỗ tôi thì mọi việc như thế đấy!’, ông vua nói. ‘Cha ta, vua tháng Chạp đệ Nhất một ngày kia đã trở nên bé xíu đến nỗi người hầu không còn thấy ông trên giường vào buổi sáng. Cùng ngày đó ta đăng quang.’
‘Nhưng làm thế nào mà một người to lớn có thể được sinh ra?’, tôi thắc mắc. ‘Lúc nào đó nguời ta phải nằm trong bụng mẹ, mà mẹ thì không thể bé hơn con được!’
‘Nằm trong bụng?’, ông vua Tháng Chạp thốt lên. ‘Hô hô! Một ngày kia ta tỉnh dậy trên giường, rồi đến dinh hoàng tử để làm việc, đơn giản thế thôi. Ở trong bụng! Rõ ngớ ngẩn! Người ta chỉ việc tỉnh dậy, rồi bắt đầu mọi thứ thôi.’
‘Thế làm thế nào mà người ta lại ở trên giường?’
‘Gượm đã,’ ông vua nói, ‘... ta tin là..., ờ thì một vị vua và một hoàng hậu ... ờ... thế nào ấy nhỉ?... Ta quên rồi! Ta bé quá rồi, người biết mà. Lãng trí. Cái đó tuyệt lắm, ta nhớ được thế thôi.’ Ông khẽ chặc lưỡi rồi cắn tiếp miếng pho-mát.
Tôi nói: ‘Ở chỗ chúng tôi, khi một đứa bé đến với thế giới, nó chả biết gì. Nó sẽ phải học ăn, học đi, học viết. Học sỉ mũi, và học cách ‘‘không nổi giận với mọi người.’’ Nói chung người lớn sẽ mang nó đi đây đó, sẽ quay đầu nó về bên này bên kia, hay nâng cằm nó.’
Mở đầu chương kế:
Có những thời gian tôi buồn, rất buồn bã đến nỗi tôi thường lang thang qua những con phố vào buổi tối và cảm thấy vui mừng khi trời đổ mưa. Phố xá bụi bặm và ướt át, và hình phản chiếu của nỗi buồn trên những vũng nước đọng khiến lòng tôi dịu lại. Tôi cảm thấy bớt lẻ loi.
Lang thang chán, tôi lại leo lên chiếc cầu thang gỗ cũ kỹ trở về căn gác trọ, thả mình lên ghế. Một lần như vậy, ông vua Tháng Chạp mò đến từ khe hở giữa kệ sách và tường, ông hỏi: ‘Cậu đã biến đi đâu vậy?’
‘À...,’ tôi nói.
‘Mọi thứ thế nào?’
Tôi nói: ‘Ààààà...’
‘Cậu làm gì bây giờ?’
‘Ngủ,’ tôi nói.
‘Đến chỗ tôi một lát,’ ông vua Tháng Chạp nói.
‘Làm sao mà tôi đến được?’, tôi nói. ‘Ông ở sau một cái kệ sách, mà đến đấy phải chui qua một cái khe bé tí, và tôi bây giờ thì quá to.’...
Rõ ràng cuốn sách chẳng phải kiểu tiểu thuyết tình yêu lãng mạn, hay thể loại viễn tưởng, trinh thám. Đó là một cuốn sách giản dị, có ít nhiều hơi hướng của Hoàng tử bé. Thế nào đọc nó, ta chẳng bị cuốn đi vào suy tư của tác giả, hay vào những tình tiết kịch tính, đầy tưởng tượng. Tôi đọc nó mà như đọc lại chính mình. Có thể chỉ là cảm nghĩ của tôi. Nhưng đôi khi buồn phiền, hay tìm nguồn an ủi, tôi vẫn đọc lại nó.

No comments:

Post a Comment