Khối u (tumour) là khối mô bất thường hình thành do sự tăng sinh không kiểm soát của các tế bào ở một cơ quan nhất định trong cơ thể.
Khối u rất đa dạng về mức độ bất thường. Khối u đôi khi đơn thuần là một khối nhỏ các tế bào tăng sản nhẹ; trong khi bản thân các tế bào đó hầu như bình thường và tích hợp tốt với mô. Các khối u này được gọi là hyper-plastic. Khi các tế bào này bắt đầu thể hiện sự bất thường về hình dạng, nhân cũng như các hoạt động của tế bào chất thì các khối u được gọi là dysplastic. Các khối u đã đạt đến kích thước tương đối lớn (cỡ cm) được gọi là polyps hay adenomas. Tuy nhiên các khối u này hãy còn là lành tính khi chúng không xâm lấn các mô lân cận với một biên giới tương đối rõ ràng. Các u lành tính thông thường có thể loại bỏ dễ dàng bằng phẫu thuật. Trong khi đó các u ác tính xâm lấn các mô lân cận, phá hủy lớp đệm mô và có thể di chuyển theo các mạch máu và mạch bạch huyết đến các cơ quan khác trong cơ thể và gieo mầm cho các khối u mới (sự di căn). Chính sự di căn của các khối u ác tính dẫn đến sự rối loạn hoạt động của các cơ quan khác nhau cũng như toàn cơ thể, dẫn đến sự đau đớn và tử vong của cơ thể. Cũng chính sự xâm lấn và di căn của khối u ác tính khiến cho các phương pháp chữa trị cục bộ như phẫu thuật trở nên vô hiệu.
Thuật ngữ ung thư (cancer) một cách chính xác dùng để chỉ các khối u ác tính. Tuy nhiên trong ung bướu học, từ "ung thư" cũng đôi khi được dùng một cách thiếu cẩn trọng để chỉ các khối u lành tính.
Các nhà khoa học tin rằng thông thường các khối u hình thành và phát triển từ đơn giản lành tính đến ác tính di căn theo từng bước, hoặc ít nhất là một vài trong các bước mô tả trên đây. Niềm tin này được kiểm chứng trên mô hình phát triển của một số loại ung thư đã được nghiên cứu tường tận, tiêu biểu là ung thư ruột kết (colon cancer). Mở rộng bức tranh này đến tất cả các loại ung thư khác nhau là việc hầu như không thể kiểm chứng do tính đa dạng về hình thái phát triển của các khối u.
Các khối u ở mức độ nào đó vẫn mô phỏng tính chất của các mô, hoặc thậm chí các thành phần tế bào mà chúng bắt nguồn. Khối u do đó có thể được đặt tên theo nguồn gốc của chúng.
Các khối u phát triển ở lớp biểu bì được gọi là u biểu bì (carcinomas). Có hai loại tế bào biểu bì: tế bào có chức năng nội tiết và tế bào thuần chức năng bảo vệ. Khối u bắt nguồn từ tế bào có chức năng nội tiết được gọi là u tuyến (adenocarcinomas), trong khi khối u bắt nguồn từ tế bào thuần chức năng bảo vệ gọi là u vảy (squamous cell carcinomas).
Có nhiều khối u không thuộc về u biểu bì. Các khối u hình thành ở các mô liên kết như sụn được gọi là sarcomas. Ngoài ra, leukemias là tên gọi chung của các khối u bắt nguồn từ hệ thống tế bào sản sinh máu; lymphomas là khối u từ hệ miễn dịch; khối u của hệ thần kinh trung ương được gọi chung là neuroectodermal tumour.
Sự phân loại khối u này hoàn toàn không có ý nghĩa tuyệt đối. Trong một số trường hợp, người ta không thể truy nguyên một các chắc chắn đến nguồn gốc chính xác của khối u; ung thư phổi loại tế bào nhỏ (small cell lung cancer) là một ví dụ. Trong một số trường hợp khác, cũng các khối u phổi không thể được xem như một loại nhất định mà có sự xen lẫn giữa u tuyến và u vảy.
Xem thêm
- Nation Cancer Institute (USA), What is cancer? (2013).
- Robert A. Weinberg, The biology of cancer (2007).
No comments:
Post a Comment